Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta ca ngợi “nấu ăn là một nghệ thuật, người đầu bếp là một nghệ sĩ”. Bởi vì để tạo ra các món ăn ngon hoàn hảo chinh phục thực khách, những người đầu bếp cũng cần phải vận dụng rất nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và công phu chế biến, trình bày; cũng cần đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu.
Từ những căn bếp nóng bức, chật chội và không ít nguy hiểm, với niềm đam mê như bao nghệ sĩ chân chính khác, những người đầu bếp vẫn hàng ngày tạo nên những món ăn thơm ngon, hấp dẫn. Trong những gian bếp đó, các món ăn được thành hình, khoác lên mình tấm áo đẹp từ những bàn tay lặng lẽ với “bản hòa tấu âm thanh” đầy rộn rã, khẩn trương từ dao, thớt, các dụng cụ nhà bếp… mà không ở một sân khấu nào có được.
Nấu ăn ngon cần có sự kiên nhẫn và khéo léo để mỗi món ăn khi đến với thực khách được hoàn hảo nhất, người đầu bếp luôn cần có sự kiên nhẫn, khéo léo. Kiên nhẫn không chỉ ở việc tìm tòi kiến thức, ở cách thực hiện các phương pháp, kỹ thuật chế biến mà còn là kiên nhẫn để vượt qua chính những vất vả của nghề mà họ phải đối mặt mỗi ngày.
Cùng với đó là sự khéo léo trong từng thao tác để “thổi hồn” cho những món ăn vừa thật ngon nhưng cũng thật đẹp mắt và hài hòa về màu sắc, vừa tinh tế về hương vị mà vẫn đảm bảo cân bằng hàm lượng dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe của thực khách.
Không chỉ vậy, từ những nguyên liệu thực phẩm, những dụng cụ nấu ăn, gia vị và mọi công cụ, dụng cụ có trong căn bếp, người đầu bếp phải kiên nhẫn, khéo léo mới có thể vận dụng một cách linh hoạt các kiến thức, kỹ năng có được cũng như sự sáng tạo của mình để chế biến thành những món ăn hấp dẫn.
Nếu sáng tạo là kim chỉ nam cho những người nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật thì với nghề đầu bếp cũng vậy. Không chỉ sáng tạo ra những công thức, những món ăn mới mà đầu bếp cũng là người sáng tạo nên những xu hướng ẩm thực mới lạ, độc đáo để thích nghi và phù hợp với những nhu cầu ngày càng đa dạng của thực khách.
Đời sống càng phát triển, càng hiện đại, nhu cầu thưởng thức ẩm thực càng phong phú, khắt khe. Do đó, nếu không sáng tạo, đầu bếp cũng khó thành công hay sống được với nghề lâu dài. Nổi bật cho tinh thần sáng tạo trong ẩm thực có thể kể đến ẩm thực phân tử. Bằng sự kết hợp ẩm thực với khoa học, kỹ thuật, những đầu bếp đã tạo nên những món ăn là những tác phẩm nghệ thuật ẩm thực vô cùng giá trị, tinh tế và lôi cuốn.
Chính sự sáng tạo là nền tảng luôn thôi thúc các đầu bếp không ngừng khám phá, tìm tòi ra những cách chế biến mới, tạo nên những xu hướng ẩm thực và những món ăn mới. Mỗi người đầu bếp cũng luôn xây dựng ý thức học hỏi để có nền tảng vững chắc cho khả năng sáng tạo ẩm thực.
Mỗi quốc gia, dân tộc luôn có những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực riêng biệt, có những món ăn với hương vị truyền thống được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Nếu các nghệ sĩ được vinh danh vì có công giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc bằng các tác phẩm nghệ thuật thì những đầu bếp cũng góp công không hề nhỏ trong việc lưu giữ, quảng bá những hương vị truyền thống của ẩm thực quốc gia.
Thông qua các chương trình, các cuộc thi ẩm thực khắp mọi nơi trên thế giới, các đầu bếp không chỉ đưa ẩm thực quê hương quảng bá tới bạn bè quốc tế mà còn giúp họ hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, tinh hoa ẩm thực dân tộc mình qua từng món ăn.
Hiện nay, ngày càng có nhiều người mà đặc biệt là các bạn trẻ đam mê, yêu thích ẩm thực chọn học nấu ăn chuyên nghiệp tại các trường nghề, trường trung cấp… nhằm trang bị kiến thức, tay nghề vững chắc để tìm kiếm, nắm bắt những cơ hội việc làm, cơ hội thành công vô cùng rộng mở.
Các đầu bếp giỏi, tài năng ngày nay không chỉ có nhiều cơ hội thành công, có thu nhập cao mà còn nổi tiếng như những nghệ sĩ thực thụ, được tôn vinh và có nhiều người hâm mộ yêu quý. Hay có thể nói, nghề bếp đã “khoác lên mình” một diện mạo mới có giá trị và nhiều sức hút hơn. Và sáng tạo món ăn ngon cũng là nghệ thuật!