BỔN MÔN PHÁP HOA KINH
Hòa thượng Thích Trí Quảng
PHẨM PHỔ MÔN THỨ 25

Bấy giờ, Ngài Vô Tận Ý quỳ gối, chắp tay, bạch với Phật rằng: Vì nhân duyên gì mà người thế gia gọi Bồ Tát này là Quán Âm, xin Đức Thế Tôn mở lòng chỉ giáo. Đức Phật liền bảo:"Này Vô Tận Ý, nên nghe cho kỹ công đức Quan Âm:

- Nếu có chúng sanh chịu nhiều đau khổ, muốn cầu ra khỏi thì niệm Quan Âm, nhờ sức bi tâm mà được giải thoát.

- Nếu gặp La Sát, quỷ dữ hại người, hoặc gặp nạn Trời, nước trôi, lửa cháy, quan lại hành hình, trói buộc, gông cùm, cũng như là giặc cướp..vv.., giữ tâm sáng suốt, chánh niệm Quan Âm, nhờ sức bi tâm mà được khỏi nạn.

- Nếu người sân hận, cùng với si mê, bị mọi người chê là kẻ tham dục, nhờ đức trong sạch Bồ Tát Quan Âm mới vừa phát tâm liền được thanh tịnh, sống trong thiền định, trí tuệ lại sanh, thấu rõ ngọn ngành, không còn sân hận.

- Nếu muốn hậu vận còn được lâu dài, cầu sanh con trai để mà nối dõi, chí thành đảnh lễ Bồ Tát Quan Âm, nhờ đại bi tâm mà sanh nam tử đức tài đầy đủ, đáng bậc anh hùng.

- Nếu phận má hồng muốn cầu con gái, chí thành đảnh lễ Bồ Tát Quan Âm, thì cũng được sanh hằng nga tiên nữ, sắc tài đầy đủ, đức hạnh vô song.

Vì thế, các ông phải nên cung kính Tịnh Thánh Quan Âm, dù chỉ nhất tâm cũng được vô biên công đức, bằng người tích cực suốt cả cuộc đời quyết chí tôn thờ sáu mươi hai ức hằng hà sa Bồ Tát để cầu phước lạc trên các cõi Trời.

Phật vừa dứt lời, Ngài Vô Tận Ý lại nghĩ thêm rằng: Bồ Tát Từ Hàng vào trong thế gian bằng phương tiện nào mà tạo công đức cho người tích cực tu hạnh Quan Âm vượt mọi khó khăn mà lên bờ giác.

Đức Phật đã biết việc của Quan Âm, người ở thế gian không thể hiểu được, nên Ngài mới lược dạy cho Vô Tận Ý về những thần bí của Đức Quan Âm.

Nếu dùng ngữ ngôn, làm sao nói được con người siêu việt xuất hiện trên đời, làm việc tùy thời, tùy tâm niệm chúng, thị hiện tương ứng để cứu độ người, sử dụng thuyền từ ở trong biển khổ, hóa độ tùy duyên.

Nếu gặp chúng sanh là bậc đại nhân, Ngài hiện Phật thân thuyết pháp lợi sanh vượt hơn tất cả, từ bi hỷ xả độ chúng hằng sa.

Nếu người lánh xa những nơi ồn náo, vào ẩn rừng sâu để cầu Phật trí, Ngài hành Pháp thí, khai thị cho người bằng trí tuệ tuyệt vời trên đời ít có, do đó được danh là Bích Chi Phật.

Nếu người chấp vật lại thích từ chương, đi khắp mười phương tìm thầy học đạo, không hết phiền não, nghiệp chướng lại tăng, Ngài hiện Thanh Văn, tu Tứ Thánh Đế làm họ kính nể theo học đạo Thuyền, tâm tánh được yên mà lên bờ giác.

Nếu cầu phước lạc trên các cõi Thiên Đàng thì Ngài sẵn sàng làm Trời Đế Thích. Nếu sợ kẻ địch giết hại mạng người, Ngài làm tướng Trời, tay cầm bảo sử, diệt dữ trừ tà.

Nếu vào Ta Bà, Ngài làm cư sĩ, thể hiện chân lý trên cõi thế gian. Có lúc làm Tăng hay làm Phạm Chí, túc trí đa mưu, giúp việc tối ưu được phong tể tướng. Mặc dù sung sướng, Bồ Tát chẳng màng, rủ áo từ quan tìm đường giải thoát.

Ở trường hợp khác, Ngài hiện Tiểu Vương, giữ vững biên cương, nhân dân an lạc, nói đạo giải thoát, dạy chúng tu Thuyền, đất nước bình yên thì Ngài thoái vị.

Biết bao xiết kể công đức của Ngài, đủ ba mươi hai thân hình biến hóa cứu độ tất cả những người niệm danh Ngài, từ xưa đến nay không bao giờ dứt.

Ta nay thành thật khuyên bảo mọi người nên kính trọng tôn thờ Bồ Tát Quan Âm ở trong nội tâm đừng nên xao lãng, khi có gặp nạn thì niệm danh Ngài, tất cả họa tai theo đây tan mất. Mười phương chư Phật cũng nói như thế.

Bấy giờ Ngài Vô Tận Ý lại nghĩ thêm rằng: Ta nên cúng dường Đức Quán Tự Tại chuỗi ngọc Như Ý lợi ích Trời, Người. Quan Âm mỉm cười mà không chịu nhận. Phật giải tường tận về pháp cúng dường, rồi bảo Từ Hàng thương xót chúng Tăng và Vô Tận Ý nhận ngọc pháp thí lợi ích cho đời.

Phật vừa dứt lời, mọi người hoan hỉ thành tựu pháp thí của Đức Quan Âm. Ngài dùng bi tâm phân hai chuỗi ngọc, một cúng dường cho Phật ở cõi phương xa, một dâng Đức Thích Ca Ta Bà Giáo chủ; như vậy, đã đủ tịnh uế hai phần. Đại chúng ân cần đầu thành đảnh lễ. Cúng dường như thế công đức không lường.

Bấy giờ, ở trong hội trường có Ngài Trì Địa tu hạnh bố thí và sửa cầu đường, được Phật ngợi khen công phu đệ nhất, nghe pháp chân thật, lòng rất vui mừng cùng với tám mươi bốn ngàn chúng sanh, đồng phát đại tâm, cầu thành Phật đạo

NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT (3 lần)

Lên đầu trang
Xuống cuối trang